Trang chủ

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Lễ hội đền Cuông (Nghệ An): Tìm về cội nguồn


Hàng năm, vào mùa Xuân (từ ngày 12- 15/2 âm lịch), đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn huyện Diễn Châu lại nô nức về đền Cuông trẩy hội, tưởng nhớ công lao to lớn của Thục An Dương Vương, người đã có công cùng nhân dân đánh Tần đuổi Triệu, giành độc lập tự do cho dân tộc.

<>Mở đầu cho trang sử vàng truyền thống kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh Lễ hội đền Cuông (Nghệ An): Tìm về cội nguồn số 1
An Dương Vương có tên là Thục Phán, là con cháu của 18 đời vua Hùng, là người có sức khoẻ phi thường, thông minh, mưu lược. Thục Phán đã có công lớn trong việc đoàn kết các bộ lạc phía Bắc nước ta, đoàn kết được các tướng giỏi và toàn thể nhân dân đánh tan quân xâm lược nhà Tần.

Trong lễ khải hoàn ca, Thục Phán được tôn vinh lên ngôi vua, hiệu là An Dương Vương và đổi tên nước thành Âu Lạc, dời đô từ Phong Châu về Cổ Loa, trị vì được 50 năm (từ năm 257 đến 208 TCN). Dưới thời An Dương Vương, đất nước ta phát triển về nhiều mặt, đặc biệt có bước tiến mới trong sản xuất lúa nước và quốc phòng. An Dương Vương đã cho xây thành Cổ Loa xoáy hình trôn ốc, ngoài thành là con sông Đào nối các nhánh sông Hồng ngày đêm thuyền chiến tuần tra nghiêm ngặt. Đặc biệt, đã chế tạo ra loại nỏ rất linh nghiệm, bắn một phát diệt nhiều tên địch (gọi là nỏ thần).

Lúc bấy giờ, ở phương Bắc, cha con Triệu Đà không khuất phục nhà nước phong kiến Trung Quốc và nổi dậy cát cứ xưng vương ở phía Đông Nam. Với âm mưu bành trướng mở mang bờ cõi, Triệu Đà đã nhiều lần đem quân xâm lược Âu Lạc. Nhưng An Dương Vương có thành cao, hào sâu, có binh hùng, tướng mạnh, có vũ khí lợi hại nên đã nhiều lần đánh tan quân xâm lược Triệu Đà. Không thể chiến thắng Âu Lạc bằng sức mạnh quân sự, Triệu Đà đã gian xảo dùng kế mưu hoà, kết tình thông gia và cho con trai là Trọng Thuỷ lấy công chúa Mỵ Châu chờ thời cơ thôn tính Âu Lạc. An Dương Vương có ngờ đâu chính tình yêu đôi lứa và hạnh phúc của Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thủ đoạn đê hèn của Triệu Đà dẫn đến quốc hoạ khôn lường cho Âu Lạc.

Năm 208 TCN, Thục An Dương Vương bị Triệu Đà đem quân bất ngờ tấn công, phải rút lui về phương Nam và tuẫn tiết tại Cửa Hiền, phía Bắc núi Mộ Dạ, nay thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu. Để tưởng nhớ công ơn của Thục An Dương Vương, nhân dân Diễn Châu đã lập đền thờ ở đỉnh núi Mộ Dạ và hàng năm tổ chức lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về tham dự.

Nhớ đền Cuông là nhớ về cội nguồn, về thời kỳ lịch sử xa xưa hào hùng của dân tộc cùng với những huyền thoại, truyền thuyết về "Thánh hiển linh"; "Núi Đầu Cân"; "Bàn Cờ Tiên"; "Lời thề hoá đá"; "Tổ sư nghề rèn"...

Lễ hội đền Cuông đã trở thành nếp sống sinh hoạt không thể thiếu của người dân Diễn Châu, người dân Nghệ An và du khách thập phương. Đến hẹn lại lên, hàng năm từ ngày 12- 15/2 âm lịch, các hoạt động lễ hội diễn ra. Lễ hội đền Cuông năm nay được huyện Diễn Châu chuẩn bị ngay từ đầu tháng 1 âm lịch. Các xã đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp và treo băng rôn, khẩu hiệu "Chào mừng Lễ hội đền Cuông 2012" ngay từ trung tuần tháng 2. Hiện, truyền thanh 39 xã, thị trấn liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về cội nguồn Lễ hội đền Cuông. Vận động viên các xã cùng với học sinh trung học phổ thông của các trường học cụm phía Nam đến nay đã cơ bản phần tập luyện chương trình võ thuật tham gia biểu diễn carate, võ cổ truyền... phục vụ trong những ngày lễ hội.

Về với Lễ hội đền Cuông, du khách không những được thưởng thức các phần lễ trang nghiêm, thành kính trước anh linh của Thục An Dương Vương và các vị thần linh mang đậm đà bản sắc dân tộc của đất biển Diễn Châu, mà còn được hòa vào không khí tưng bừng lễ hội với những trò chơi dân gian, những hoạt động văn hoá, thể dục thể thao đậm đà bản sắc dân tộc như: chọi gà, đu quay, kéo co, trò chơi u...

Đặc biệt, được thả hồn theo các điệu hát của câu lạc bộ Ca trù, Câu lạc bộ Thơ, đàn hát dân ca; chiêm ngưỡng người đẹp đền Cuông với vẻ đẹp mặn mà của đất biển Diễn Châu... Lễ hội đền Cuông còn là dịp để du khách thăm Cửa Hiền- Hồ Xuân Dương, Khu khu dịch biển Diễn Thành, chùa Cổ Am - hồ Linh Sơn - lèn Hai Vai soi bóng dưới sông Bùng thơ mộng. Đến với các di tích danh thắng trên địa bàn Diễn Châu, nơi có lịch sử hơn 1.380 năm văn hiến, để rồi cùng nhau suy ngẫm và nhắc nhau hãy giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.

Về với đền Cuông là dịp để đồng bào các miền xuôi - ngược, nông thôn, miền biển gặp gỡ, giao lưu cùng nhau, khoe tài các nét văn hoá truyền thống của mỗi địa phương, đặc biệt cùng ôn lại lịch sử truyền thống của cha ông, cùng cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tươi tốt, trời yên biển lặng, cá tôm đầy khoang, xóm làng yên vui, nhà nhà hạnh phúc, ấm no./.
Nguồn : Tin tức Du lịch

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Những điểm cần biết khi du lịch Nghệ An


Nguồn: vietnamnet.vn
Cập nhật: 10/03/2015, 15:07:15
Nằm cách thủ đô Hà Nội 291km về phía Nam, Nghệ An chiêu đãi du khách với mọi loại hình du lịch đáp ứng tất cả các nhu cầu của du khách như du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch biển, rừng…

Địa điểm vui chơi

Từ Vinh, ra Bắc 40km bằng đường bộ, bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên ở khu du lịch sinh thái Sen Vàng hay thả mình ở ba trong số hàng loạt các bãi biển đẹp, nổi tiếng của Nghệ An là biển Diễn Thành, biển Diễn Châu, thú vị nhất là Bãi Lữ vừa thơ mộng vừa hoang sơ.
Bên cạnh các bãi biển trên, bạn có thể thăm thú di tích như Đền Cuông trên núi Mộ Dạ, nơi Thục phán An Dương Vương tuẫn tiết, được chôn cất lập đền thờ. Trên núi còn có giếng Ngọc Mỵ Châu; ghé khu sinh thái Diễn Lâm nơi, vườn bách thú với nhiều động vật hiếm hay Hồ Xuân Hương rừng thông soi bóng xuống hồ (lưu ý không tắm tại hồ).

Các danh thắng của hướng Nam từ Vinh bắt đầu bằng bãi biển Xuân Thành với vẻ đẹp của triền cát thoai thoải, nước trong, những hàng dương ngút ngàn; Khu di tích đại thi hào dân tộc Nguyễn Du thâm nghiêm, bí ẩn. Hành trình ngược sông La kỳ thú để đến với di tích và lăng mộ Tổng bí thư Trần Phú, ngắm bến Tam Soa thơ mộng, nghe những câu hát điệu hò bảng lảng trên sông.

Phía Đông thành phố Vinh là Cửa Lò, một thị xã sấm uất và một bãi biển tuyệt đẹp. Nơi bất kỳ du khách thuộc vùng miền nào cũng muốn một lần đặt chân đến. Tại Cửa Lò, ngoài thú vui tắm biển, thưởng thức hải sản, thì “đặc sản” câu và thưởng thức mực nhảy cũng lôi cuốn không kém.

Cách thành phố Vinh 10km về phía Tây, bạn sẽ đến với quê hương của chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan nơi Bác lớn lên hay thắp một nén nhang tưởng nhớ ở mộ bà Nguyễn Thị Loan – Thân sinh Bác. Ngoài là quê hương Bác, nơi đây cũng khai sinh ra hàng loạt các nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, Lê Hồng Sơn, Tổng bí thư Lê Hồng Phong…

Bên cạnh du lịch lịch sử, cụm du lịch phía Tây của Vinh cũng chiều lòng du khách với hai điểm du lịch tâm linh là quảng trường Hồ Chí Minh, đền thờ – lăng mộ Quan Hoàng Mười và du lịch khám phá với vườn quốc gia Pù Mát, nơi có nhiều động vật quý và những dòng thác hùng vĩ.

Ngoài ra, nếu có thời gian, bạn đừng quên khám phá hàng loạt địa danh khác của vùng đất này như chợ vùng biên Nậm Cắn, thác Xao Va, hang Thẩm Ồm, khu du lịch núi Quyết; Thành cổ Nghệ An, chùa Sư Nữ (chùa Cần Linh), đền Hồng Sơn, đền Quả Sơn, khu du lịch hồ Cửa Nam, bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Di chuyển

Tùy theo điểm xuất phát mà bạn có thể chọn 3 thành phố lớn đại diện cho 3 vùng để làm điểm trung chuyển đến Nghệ An là Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn. Nếu thích, các bạn ở miền Trung và miền Nam có thể chọn Hà Nội làm điểm xuất phát hay chọn cách mua vé đi Nghệ An tại địa phương.

Bằng phương tiện công cộng
Bạn có thể đến Nghệ An bằng xe khách (mua tại các bến xe), tàu lửa (mua tại các ga) và máy bay (Từ Hà Nội và TP. HCM đều có các chuyến bay đến sân bay Vinh). Đến Nghệ An bạn có thể thuê xe ôm, xe máy hay taxi khám phá các điểm.
Bằng phương tiện cá nhân

Hà Nội cách thành phố Vinh 291km, khoảng cách tương đối để bạn có thể phượt bằng xe máy hay xe ô tô mà không lo ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian. Sài Gòn hay Đà Nẵng đều khá xa “vùng đất học”, nên nếu không có kế hoạch lang thang hàng loạt tỉnh, tốt nhất bạn nên di chuyển bằng phương tiện công cộng để bảo đảm an toàn cũng như khỏi mệt mỏi vì chạy xe quá nhiều.


Lưu trú

Khu vực trung tâm Nghệ An gồm các tuyến đường Trần Phú, Lê Duẩn, Trường Thi… Các bạn có thể căn cứ vào đó hay vào lịch trình cụ thể của mình để tiện cho việc di chuyển.

Đặc sản Nghệ An

Đặc sản Nghệ An gồm những món như cháo lươn Vinh, cơm lam, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam xã Đoài…

Làng nghề nước mắm Nghi Hải

Cách Thành phố Vinh 11km về phía Đông, là Làng nghề nước mắm Nghi Hải. Đặc thù ở làng nghề này là các chủ cơ sở kinh doanh và khai thác và chế biến nước mắm. Sản phẩm làng nghề ở đây là các hàng chế biến từ hải sản như: Cá, tôm, và các loại khác.

Cháo Lươn Vinh
Không chỉ người dân ở Nghệ An thích ăn cháo lươn Vinh, mà cả những du khách từ nhiều nơi khi đến Vinh đều ưa thích món cháo lươn.
Tương Nam Đàn

Tương Nam Đàn nổi tiếng không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước. Là thực phẩm được dùng làm nước chấm, nước chan với cơm, rất phổ biến ở trong bữa ăn của các gia đình ở huyện Nam Đàn, được chế biến từ những hạt đậu tương và những hạt nếp, hạt ngô do người nông dân làm ra.

Cam xã Đoài

Xã Đoài nay là xã Nghi Diên - Huyện Nghi Lộc - Tỉnh Nghệ An. Tại đây, thiên nhiên đã ưu đãi cho một miền đất hiếm hoi sản sinh ra quả cam thơm ngon mà chẳng nơi nào có được.

Chúc các bạn có một chuyến hành trình đến Nghệ An thật nhiều kỉ niệm đáng nhớ./.

Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Thông báo họp Đồng hương xã Diễn Trung


Trân trọng kính mời,

Quý Cô bác, Anh chị em, các bạn là con em xã Diễn Trung đã và đang sinh sống, làm việc và học tập tại HN và các tỉnh phía Bắc
Tới tham dự chương trình họp đồng hương với chủ đề: "Gặp mặt đầu xuân"
- Thời gian: 8h ngày 15 tháng 3 năm 2015 (Tức ngày 25 tháng giêng năm Ất Mùi)
- Địa điểm: Số 9 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội

- Thành phần tham dự: Tất cả cô bác, anh chị em, các bạn sinh viên đang sống, lao động và học tập tại HN và phụ cận

- Nội dung cơ bản:+ Đón khách+ Văn nghệ+ Chào mừng, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu+ Tổng kết 2014+ Phương hướng hoạt động 2015+ Chụp hình lưu niệm+ Giao lưu ẩm thực...

Kinh phí: Đóng góp tự nguyện với người đi làm, sinh viên đi học không bắt buộc...

P/s: Hotline cập nhật thông tin: 0912918007 (Mr.Dũng)
Đề nghị tất cả chúng ta truyền tin cho tất cả mọi người khi biết thông tin này. Vì sự đoàn kết của chúng ta tại HN và các tỉnh phía Bắc

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Giới thiệu về Hội

Ban liên lạc Đồng Hương xã Diễn Trung

Đây là cổng thông tin điện tử của Hội đồng hương Diễn Trung khu vực phía Bắc. Hội là tổ chức tợp hợp các thành viên quê hương xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An hiện đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hội đã được thành lập chính thức từ năm 2003 và họp mặt toàn thể Hội đều đặn hàng năm vào dịp đầu Xuân. Chi Hội ở một số tỉnh thành cũng đã giao lưu gắn bó và có nhiều hoạt động đầy ý nghĩa.

Với tinh thần họ trù bị của Ban liên lạc trong dịp họp mặt đầu xuân 2015, trang Blog được xây dựng và hân hạnh ra mắt với khát vọng trở thành ngôi nhà chung của các Hội viên trên mạng internet. Nơi đây, Hội viên có thể dễ dàng chia sẻ ý kiến thông tin và hình ảnh. Trước hết trang Blog thực thi nhiệm vụ cung cấp thông tin về hoạt động của Hội, tình hình quê hương Diễn Trung cũng như tình hình sức khỏe và công việc của các Hội viên.

Trong quá trình xây dựng trang Blog không tránh khỏi sai sót, rất mong Hội viên cho ý kiến đóng góp thiết thực vào các nhận xét phía dưới mỗi bài viết để trang thông ngày càng hoàn thiện hơn.

Rất mong các cô chú, anh chị em nhiệt tình tham gia.

Nhân dịp Tân Niên Ất Mùi kính chúc Các cô bác, anh chị em và bà con quê hương Diễn Trung Sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.

Ban quản trị Blog.
Ngày 01/03/2015


Kính chào Quý anh chị em Đồng hương xã Diễn Trung !
Vì nhiều lý do, nên vài năm qua trong thông tin của Hội tại HN bị gián đoạn, xin được cáo lỗi vì việc này. Để thông tin liên lạc luôn được cập nhật.
Hiên nay ban quản trị đã sắp xếp được thời gian để đưa thông tin kịp thời về sinh sống, làm việc và học tập của tất cả anh chị em ở HN và vùng phụ cận
Nhân dịp năm mới kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Trân trọng, BTC